Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Nét đẹp trong đôi đũa Việt

Từ xa xưa, đôi đũa mộc đã đi vào đời sống của người Việt Nam như một lẽ hiển nhiên nhưng đằng sau đó chứa đựng bao tín hiệu văn hóa hấp dẫn và độc đáo. Chính vì thế mà đôi đũa Việt ẩn chứa nhiều nét đẹp mà ít người biết được.



Đôi đũa là sản phẩm của văn hóa nông nghiệp phương Đông. Tuy nhiên, không phải tất cả các nước phương Đông đều sử dụng đũa. Nhiều nền văn hóa Đông phương dùng tay để ăn. Ngoài Việt Nam, các nước dùng đũa khác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên… Đôi đũa mang tính linh hoạt cao. Nếu như ẩm thực phương Tây cần một bộ dao, dĩa, thìa thì chúng ta chỉ cần một đôi đũa mà vẫn đảm bảo thực hiện đủ các chức năng mà bộ dụng cụ ăn của phương Tây đảm nhận. Đũa có thể lấy thức ăn đưa lên miệng như dĩa, có thể “và” để đưa thức ăn có nước vào miệng như thìa và thực hiện chức năng của dao là xắn, xẻ.

Có thể nói, bản thân đôi đũa là một thực thể đa chức năng, đầy tính linh hoạt và sáng tạo. Các học giả phương Tây đánh giá cao đôi đũa, còn học giả phương Đông thì tìm cách truy tìm nguồn gốc của sản phẩm văn hóa độc đáo này. Trong đó có hai quan điểm. Một quan điểm cho rằng đôi đũa có nguồn gốc từ Trung Quốc bởi khảo cổ học tìm thấy đôi đũa đồng của thời nhà Thương ở đây. Một quan điểm khác lại khẳng định đôi đũa là sản phẩm của cư dân Bách Việt - các tộc người Việt ở phía Nam sông Dương Tử.

Trở lại lịch sử, ta có thể thấy, người Trung Quốc xuất phát từ vùng Hoa Hạ rồi lấn chiếm và thôn tính các cộng đồng người Việt nói chung ở phía nam sông Dương Tử. Khối Bách Việt lúc đó ngoài Việt Nam của ta hiện nay thì còn có các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam. Sách Lịch sử văn hóa Trung Quốc do Đàm Gia Kiện chủ biên năm 1993 thì người Trung Quốc “Thời Tiên Tần không ăn dùng đũa, mà lấy tay bốc”. Họ chỉ bắt đầu dùng đũa từ khi thôn tính phương Nam (đời Tần - Hán), ban đầu dùng một cách hạn chế để gắp thức ăn cứng từ các món canh, mãi về sau đôi đũa mới trở thành phổ biến. Quan điểm này có tính hợp lý của nó. Bởi trước khi bành trướng xuống phía Nam, Trung Quốc không trồng lúa nước mà trồng các loại lương thực khô như kê, mạch và chăn nuôi gia súc. Bởi thế thức ăn của họ là bánh bao, màn thầu, thịt (thích hợp dùng tay) chứ không phải là cơm, canh, rau, cá.

Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng, đôi đũa được chế tạo là mô phỏng mỏ con chim. Từ lâu chúng ta đều biết người Việt theo tô tem chim, loài chim Lạc, Hồng có mỏ dài, chân cao, giống như loài cò trắng. Đây là một nhận định có lý và thú vị.

Có thể nói, đôi đũa là sáng tạo của cư dân Bách Việt, trong đó có Việt Nam chúng tay ngày nay, nơi mà tre trúc nhiều, cơ cấu bữa ăn gồm nhiều món khó sử dụng tay không như cơm nóng, canh rau… Và nếu hình dung đôi đũa như một biến thể của hình tượng chim Lạc thì đôi đũa ấy còn chứa đựng yếu tố tín ngưỡng và màu sắc riêng của người Việt.

Một trong những sáng tạo riêng có của  ẩm thực Việt Nam ấy chính là đôi đũa cả. Có đi khắp nơi trên thế giới cũng không tìm thấy hình ảnh đũa cả trong bữa cơm như xứ Việt. Đũa cả to ngang hơn so với đôi đũa thường, được dùng để xới cơm. Đôi đũa cả chuyên chở những ý nghĩa riêng của nó. Nồi cơm là yếu tố quan trọng nhất trong bữa ăn. Cái no, chuyện đói là vấn đề muôn thủa trong đời sống người Việt. Cái ăn luôn được người Việt nhiều thế hệ qua tâm. Bởi thế mà trong ngôn ngữ, chữ ăn được xuất hiện dày đặc. Nào thì ăn ở, ăn mặc, ăn chơi; nào thì ăn ngủ, ăn nằm, ăn vạ; rồi tới ăn cưới, ăn tết, ăn hội… Dường như hầu hết các vấn đề của sinh hoạt đời thường đều có xuất hiện thành tố “ăn” giống như một nỗi ám ảnh trong tâm thức con người. Và vì thế, sự phân chia, tính toán toàn vẹn no đủ mà đôi đũa cả làm nhiệm vụ là vô cùng quan trọng.


Một trong những sáng tạo riêng có của Việt Nam ấy chính là đôi đũa cả.

Đôi đũa quen thuộc tới mức, nó trở thành hình ảnh ẩn dụ cho nhiều vấn đề trong cuộc sống. Làm việc phải “ra đầu ra đũa”, “đến đầu đến đũa”, chọn bạn đời thì nên chọn người phù hợp chứ đừng “đũa mốc mà chòi mâm son” để rồi giống như “đôi đũa lệch so sao cho bằng”. Đánh giá, nhìn nhận một con người, một hiện tượng phải bao quát chứ đừng “vơ đũa cả nắm”… Hay trong các câu chuyện kể Việt Nam, không thiếu những câu chuyện gắn liền với đũa. Đó là câu chuyện “bó đũa” răn dạy về sự đoàn kết mà ông bố dạy các con trước khi qua đời. Đó là câu chuyện cô gái mang 1 đôi đũa khi mời cơm 2 anh em trai để xem ai nhường ai…

Cho tới khi sang thế giới bên kia, bát cơm đầy cắm đôi đũa như là lương thực của người thân chuẩn bị cho người đã khuất trên hành trình về suối vàng. Ở nhiều gia đình, trên ban thờ người ta dựng 5 đôi đũa như để chuẩn bị cho ông bà tổ tiên khi về với con cháu vào các ngày lễ lạt. Có thể thấy, ở nhiều nơi trong cuộc sống, ta vẫn bắt gặp hình ảnh hay dấu ấn của đôi đũa trong đó. Nó càng chứng minh thêm vị trí của đôi đũa trong văn hóa người Việt nói chung và văn hóa ẩm thực nói riêng.

Đôi đũa quen thuộc tới mức, nó trở thành hình ảnh ẩn dụ của nhiều vấn đề trong cuộc sống.

Ngoài kế thừa truyền thống và tinh hoa ẩm thực của cha ông, một lý do khiến người ta say mê đôi đũa còn bởi đôi đũa mộc làm tăng hương vị của bữa cơm. Đũa ấy phải là đũa mộc, chứ không phải đũa nhựa, đũa inox như hiện nay. Đũa mộc giống như một vật lưu giữ hương thơm tự nhiên. Đũa mộc tốt bao giờ cũng thoang thoảng mùi thơm. Và một miếng cơm trắng tinh, nóng hổi vào miệng trong khi hương thơm của gạo thơm cùng hương đũa mộc ứa ra, quện chặt với nhau sẽ khiến bạn cảm nhận được thế nào là đồng quê, là xứ sở. Hương của đũa mộc nhạt lắm, phải tinh tế chú ý mới thấy được. Và chính điều đó sẽ đi theo cuộc đời con người như một phần lắng đọng của gia đình, đất nước.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Thưởng thức tại Nhà hàng Nhật bản | Thực đơn Bento | Thực đơn bữa trưa | Thực đơn bữa tối